Vũ trụ Halo (P.5): Thành lập đế chế Covenant

Chủ xị

  
Bài viết có sử dụng nhiều thuật ngữ và sự kiện có đề cập trong các bài viết trước. Bạn đọc nên tham khảo để hiểu rõ hơn nội dung của bài này.

Đế chế Covenant là phe phản diện chính trong 3 phần game đầu của series Halo. Chúng bao gồm nhiều chủng loài khác nhau, từ nhiều hành tinh và hệ hành tinh khắp nơi trong Ngân hà. Tuy nhiên, chúng có một điểm chung là luôn tuân theo một tôn giáo thống nhất, và đó cũng chính là điều khiến chúng trở thành một liên minh vững mạnh, song lại mù quáng.

Tôn giáo ấy cho rằng giống loài Forerunner là thánh thần, và bằng việc kích hoạt 7 Halo – mà chúng gọi là “vòng thánh” – họ đã biến mình trở thành những vị thần thực thụ. Phe Covenant luôn cho rằng Forerunner là một chủng loài vượt bậc, gần như là Chúa trời, và sự kích hoạt 7 Halo đã cho phép các “Chúa trời” ấy tiến hóa lên mức transsentient – thậm chí còn vượt lên trí tuệ hiện tại của con người, hay bất kì chủng loài thông minh nào khác trong vũ trụ. Chúng tự gọi đó là “The Great Journey” – “Đại Hành Trình”.

Chúng rất cuồng tín về điều này, và cũng vì vậy, chúng tự xem mình là những kẻ kế thừa những “món quà” mà “Chúa trời” của chúng đã để lại, trong trường hợp này là tàn dư của công nghệ Forerunner, khi họ rời Ngân hà sau khi cuộc chiến Forerunner-Flood kết thúc năm 97 445 BCE.

Mục tiêu cuối cùng của đế chế Covenant là kích hoạt lại 7 Halo, và đưa chúng trở thành những vị thần để sánh vai với giống loài mà chúng tôn thờ. Sự mù quáng này đã dẫn đến hàng loạt những cuộc xung đột trong lịch sử Covenant, lẫn từ bên trong (sự nổi dậy của Sesa’Refumee trong Halo 2), và bên ngoài. (chiến tranh giữa Nhân loại và Covenant)

Những giống loài khác nhau của phe Covenant.

Khởi nguồn

Sau cuộc chiến Forerunner – Flood, Mendicant Bias bị bắt giữ và lưu đày trên Ark. Một khoảng thời gian không rõ sau đó, một mảnh AI của nó đã thoát ra và lẻn vào một tàu Keyship (một mẫu tàu chiến) của Forerunner – tàu Anodyne Spirit. Mảnh AI này của Mendicant Bias muốn sửa chữa lỗi lầm mà nó gây ra cho những kẻ đã sáng tạo ra mình bằng cách giúp đỡ nhân loại. Nhưng, lực bất tòng tâm, tàu Anodyne Spirit này lại đâm xuống hành tinh Janjur Qom, cũng là hành tinh cội nguồn của loài San’Shyuum, giống loài mà sau này sẽ trở thành những “Prophet” đứng đầu đế chế Covenant.

Những cá thể San’Shyuum đang là những Prophet của Hội đồng Cấp cao phe Covenant.

Ghi chú: Trong quân đội của Forerunner, tàu Dreadnought là một loại tàu chiến chủ lực dùng trong chiến tranh. Ngược lại, tàu Anodyne Spirit thực chất là một Keyship, một loại tàu chuyên dụng có khả năng tạo ra cổng slipspace, cho phép du hành những khoảng cách tương đối xa trong vũ trụ. Đa số những mẫu Keyship đều đã bị phá hủy bởi The Librarian, nhằm ngăn cản phe Flood tiếp cận Ark trong chiến tranh Forerunner – Flood. Loài San’Shyuum không biết điều này, và gọi tàu Anodyne Spirit là một Dreadnought, thay vì đúng như tên gọi của nó là một Keyship. Bài viết sẽ đề cập đến tàu Anodyne Spirit bằng tên gốc, thay vì Dreadnought như cách gọi trong nguyên tác.

Tàu Anodyne Spirit.

Sau chiến tranh Forerunner – Flood, loài San’Shyuum đã mất hết những mối liên kết giữa chúng và Forerunner, và chúng bắt đầu tôn thờ chủng loài này như những vị thần, và công nghệ của Forerunner là những phước lành mà những bậc thần thánh ấy ban tặng nhằm giúp những chủng loài thấp kém phát triển vượt bậc và tiến hóa trở thành thần thánh như họ. Và một trong những “phước lành” ấy, ít nhất là theo cách mà loài San’Shyuum nghĩ, là con tàu Anodyne Spirit, mà chúng gọi là Dreadnought.

Trên hành tinh Janjur Qom, có tương đối nhiều những hiện vật của công nghệ cũ của Forerunner, và với khả năng reverse-engineer của mình, giống loài San’Shyuum đã có thể khai thác những công nghệ này, và từ đó phát triển nền văn minh của mình nhanh hơn hẳn các giống loài khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, với tàu Anodyne Spirit thì chúng lại có một cách tiếp cận khác.

Một tượng đài của công nghệ Forerunner lại xuất hiện ngay trong hành tinh mẹ của San’Shyuum? Loài San’Shyuum xem đây là một biểu tượng tâm linh vĩ đại, gần như là một di vật của thánh thần, nên chúng không đủ khả năng để khai thác công nghệ bên trong nó, vì nỗi e sợ xâm phạm thánh thần của giống loài sùng đạo này là quá lớn. Chính sách này vẫn còn được kéo dài rất lâu sau đó, cho đến khoảng năm 2 200 BCE.

War of Wills – Chiến tranh Tư tưởng

Vào năm 2 200 BCE, một nhóm San’Shyuum với cái tên là Reformist (tạm xem là Phe Duy tân) yêu cầu được quyền tiếp cận tàu Anodyne Spirit để nghiên cứu sâu hơn về công nghệ Forerunner ẩn chứa bên trong di tích linh thiêng này. Phần đông dân số San’Shyuum đều không đồng ý với điều này, vì theo như họ, điều này là xúc phạm và báng bổ đến bậc thánh thần. Phe đại diện cho tư tưởng này là Stoic (tạm xem là Phe Bảo thủ).

Mâu thuẫn ngày càng leo thang, và đỉnh điểm là chiến tranh thực sự nổ ra, và toàn bộ nền văn minh của San’Shyuum bị chia làm hai phe, một phe theo Duy tân và phe còn lại, dĩ nhiên là vẫn theo quan niệm của phe Bảo thủ. Nhưng với quan niệm lạc hậu của mình, phe Bảo thủ thậm chí còn không sử dụng công nghệ vũ khí của Forerunner để bảo vệ mình, mà thay vào đó là những loại vũ khí truyền thống của San’Shyuum, với hiệu quả rõ ràng là thấp hơn hẳn so với công nghệ vũ trang mà phe Reformist có được từ việc khai thác công nghệ của Forerunner trên hành tinh Janjur Qom. Phe Bảo thủ nhanh chóng bị áp đảo. Song, họ vẫn giữ được phòng tuyến của mình đến gần 100 năm sau.

Chiến trường trên hành tinh Janjur Qom. Ở bên phải chính là con tàu Anodyne Spirit.

Vào năm 2 100 BCE, khoảng hơn 100 người San’Shyuum đã đột nhập được vào tàu Anodyne Spirit, và nắm lấy quyền kiểm soát nó. Đây không ngờ là một đòn chí mạng vào sự phòng ngự của phe Stoic, vì sự sùng đạo quá mức của họ mà phe này không thể nào dám hủy diệt con tàu này, ngay cả khi nó đang đe dọa đến sự ổn định của thế giới. Hậu quả là sau 40 ngày, con tàu Anodyne Spirit đã cất cánh thành công, và xé toạc một phần đất đá từ Janjur Qom. Phần đất đá này về sau được biến đổi thành một cơ quan trung ương của phe Covenant.

Hành tinh Janjur Qom, nguồn cội của loài San’Shyuum.

Phe Duy tân từ đây cũng rời khỏi hành tinh nguồn cội của mình, và du hành trên con tàu Keyship đến các nơi khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, với dân số hạn chế (chỉ khoảng 1000 cá thể San’Shyuum thuộc phe Duy tân hiện diện trên tàu), phe Reformist buộc phải đưa ra những quy định rất gắt gao để ngăn cản việc giao phối cận huyết, hay thậm chí, cấm những cá thể có các kiểu gen phổ biến giao phối để ngăn chặn việc tạo ra các cá thể San’Shyuum mới mang tính trạng lặn.

Các chính sách này tuy đã có những tác dụng nhất định, song về sau, các cá thể San’Shyuum càng ngày càng bộc lộ những phẩm chất yếu đuối, và sau này chúng thậm chí không thể đi lại và phải dựa vào những chiếc ghế đặc biệt, giống như những phương tiện mà các Prophet dùng trong Halo 2 và 3. Về sau, phe Duy tân đã thuyết phục được một số cá thể San’Shyuum nữ thuộc phe Stoic cư trú ở High Charity, và điều này đã giúp cải thiện tình hình dân số của cộng đồng này đôi chút.

War of Beginnings – Chiến tranh Khởi nguyên

Chạm trán lần đầu

Loài San’Shyuum hạ cánh trên hành tinh Ulgethon. Sinh vật trong ảnh là một vị Arbiter – Phán quan của Sangheili chưa rõ lai lịch.


Sau khi rời hành tinh mẹ của mình là Janjur Qom vào năm 2 100 BCE, các San’Shyuum thuộc phe Duy tân gặp phải một chủng loài mới, Sangheili, vào năm 938 BCE, khi chúng hạ cánh trên hành tinh Ulgethon. Loài Sangheili, thật không may, cũng đã tiếp cận được với công nghệ của loài Forerunner, và chúng xem việc sử dụng công nghệ của Forerunner là một hành vi báng bổ thánh thần không thể nào chấp nhận được.

Ban đầu, phe San’Shyuum cũng đã có ý muốn thảo luận trong hòa bình bằng cách đưa một phái đoàn lên gặp mặt loài Sangheili, nhằm nói rằng giống loài San’Shyuum cũng tôn thờ Forerunner như chúng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai giống loài bắt đầu được nêu rõ nhanh chóng một cách đáng báo động.

Phe San’Shyuum biết rằng trên hành tinh Ulgethon có một trữ lượng những di tích Forerunner đáng kể, và chúng ngỏ lời muốn khám phá những di tích ấy cùng với loài Sangheili. Nhưng ngay khi biết được mục đích của sự khám phá này là để tìm hiểu về công nghệ của Forerunner và sử dụng công nghệ đó cho nền văn minh, phe Sangheili lập tức tuyên chiến với những kẻ vừa bước chân vào hành tinh của mình.

Động thái đầu tiên của chúng là việc hành hình phái đoàn mà phe San’Shyuum cử đến, và gửi bảy chiếc thủ cấp đã bị chặt của họ về tàu Anodyne Spirit. Căng thẳng leo thang nhanh chóng, và chiến tranh nổ ra.

Diễn biến chiến tranh

Ban đầu, loài Sangheili chiếm lợi thế nhanh chóng, nhờ thể lực tự nhiên của các chiến binh cũng như truyền thống chiến đấu bằng danh dự. Nhờ đó, các cuộc giao tranh trên bề mặt hành tinh kết thúc khá chóng vánh, và phần thắng luôn nghiêng về phe Sangheili. Tuy nhiên, phe San’Shyuum lại có một lợi thế khác. Đó là con tàu Anodyne Spirit, một tàu chiến Forerunner.

Chiếc tàu này đã giúp loài San’Shyuum có lợi thế vượt trội khi tấn công ngoài không gian. Với khả năng thực hiện các bước nhảy slipspace cực kì hiệu quả, loài San’Shyuum có thể dồn toàn lực tấn công và đồng thời rút lui nhanh chóng mà không thể nào bị bám đuôi. Thế cờ bị lật ngược một cách dường như quá dễ dàng. Phe Sangheili bị áp đảo, và buộc phải từ bỏ rất nhiều những hành tinh thuộc địa của mình.

Loài San’Shyuum càng ngày càng tiến gần đến ngưỡng cửa của Sanghelios – hành tinh nguồn cội của Sangheili – và loài Sangheili thì gần như bất lực trước sự công phá của tàu Anodyne Spirit.


Đây là một đòn giáng thẳng vào danh dự của giống loài Sangheili, một điều mà chúng từ thuở sơ khai đã luôn xem trọng.

Chiến tranh nổ ra trên Ulgethon.

Năm 876 BCE là thời gian diễn ra một bước ngoặt lớn cho phe Sangheili. Một nhóm các nhà khoa học Sangheili đã bí mật tìm hiểu và nghiên cứu các công nghệ của Forerunner từ những di tích mà họ để lại trên bề mặt các hành tinh. Đồng thời, họ cũng bắt đầu áp dụng các công nghệ ấy vào những món trang bị của quân đội đồng minh, như súng ống, tàu chiến, và áo giáp.

Không lâu sau đó, những nhà khoa học này quyết định công khai những phát hiện của mình, sẵn sàng đối mặt với án tử vì những hành động phạm thánh của mình. Những phát hiện này, dĩ nhiên, đã tạo nên một làn sóng tranh cãi rất lớn trong xã hội Sangheili. Nhưng cuối cùng, họ phải thay đổi chính sách tiếp cận có phần khắt khe của mình đối với những di tích linh thiêng của Forerunner, và bắt đầu cho phép sử dụng công nghệ Forerunner trong chiến tranh. Các nhà khoa học nói trên được thoát án tử, và loài Sangheili bắt đầu cho phép áp dụng các công nghệ Forerunner vào các công trình của mình.

Đây vẫn là một quyết định còn tương đối miễn cưỡng, vì loài Sangheili trong thời gian này đã lâm vào bước đường cùng, và nếu không đổi mới, thì phe San’Shyuum rất có thể sẽ quét sạch hoàn toàn dân số của Sanghelios, và kéo theo đó là sự tuyệt chủng của giống loài này.

Phe Sangheili dần dần chiếm lại thế thượng phong. Tuy tàu Anodyne Spirit vẫn còn khả năng tiêu diệt và phá hủy hàng loạt binh sĩ trong quân đội Sangheili, phe Sangheili không còn nhượng bộ bất cứ thuộc địa nào nữa. Ngoài ra, phe Sangheili cũng đã tự tìm hiểu được khả năng thực hiện bước nhảy slipspace, và đã có khả năng phục kích tàu Anodyne Spirit trước khi phe San’Shyuum kịp trở tay. Bây giờ, đến lượt loài San’Shyuum bị lâm vào bước đường cùng.

Chúng bắt đầu e sợ sự vững mạnh về quân sự của quân đội Sangheili khi trưng dụng công nghệ của Forerunner, và bắt đầu lo lắng rằng hẳn sẽ còn rất nhiều giống loài với sức mạnh tương tự trong vũ trụ, và với tình hình hiện giờ của chúng, thì khó lòng mà bảo toàn được sự sống còn của giống loài.

Diễn biến tiếp theo

Cuộc xung đột tiếp theo của hai giống loài diễn ra trên Planet of Blue and Red (tạm viết tắt là PBR). PBR là một hành tinh có vai trò chiến lược tối quan trọng đối với loài Sangheili, và đồng thời, đây cũng là một hành tinh chứa số lượng di tích Forerunner dồi dào nhất. Nếu so sánh về quân số, thì phe San’Shyuum rõ ràng là yếu thế. Nhưng may mắn là chúng được hỗ trợ bởi những Aggressor Sentinel, một loại vũ khí tương tự như drone hiện giờ, với sức công phá tương đối cao. Những chiếc Sentinel này đã giúp cầm chân quân đội Sangheili trong khi các lực lượng nghiên cứu của loài San’Shyuum thì đang cố gắng thu thập dữ liệu về những di tích Forerunner trên bề mặt PBR.

Không may là một nhóm sát thủ của phe Sangheili đã xâm nhập được vào cơ quan điều khiển của phe San’Shyuum và phá hỏng phòng tuyến của chúng. Các San’Shyuum còn lại buộc phải rút lui nhanh chóng vào không gian. Trước khi phe San’Shyuum quyết định tấn công toàn lực trên mặt trận mà chúng vừa bị buộc phải rút lui, phe Sangheili – lãnh đạo bởi Ussa ‘Xellus – đã kịp rút lui vào trong những di tích Forerunner mà các nhà khoa học San’Shyuum vừa nghiên cứu.

Hành động này đã giúp bảo toàn được tính mạng của các binh sĩ Sangheili, vì loài San’Shyuum đã quyết định không ra tay lên một công trình cổ đại của Forerunner. Tuy bảo toàn được tính mạng tạm thời, quân đội của Sangheili vẫn bị buộc phải rời PBR, và một hành tinh nữa lại rơi vào tay San’Shyuum.

Cuối cùng, chiến tranh đến thềm hành tinh Sanghelios.

Tàn cuộc

Hành tinh Sanghelios.

Trên bề mặt Sanghelios, nhiều cuộc chiến đã nổ ra, và cũng với cùng một mục đích: phe San’Shyuum tranh giành quyền sở hữu các công trình Forerunner, còn phe Sanghelios cố gắng bảo vệ quê hương khỏi sự xâm lược của San’Shyuum.

Chiến tranh rơi vào tình thế giằng co liên tục trong suốt một thời gian. Song, phe San’Shyuum nhanh chóng nhận ra: với tình hình dân số hạn hẹp, cộng thêm với việc chúng chỉ có duy nhất một tàu chiến, Anodyne Spirit, chúng không thể giành phần thắng về mình.

Vì vậy, phe San’Shyuum quyết định cầu hòa, và đề xuất một thỏa thuận giữa hai bên: Writ of Union (tạm gọi là Thỏa thuận Liên minh). Theo thời gian, phe Sangheili cũng thả lỏng những chính sách của mình, và bắt đầu tìm hiểu về “The Great Journey” của loài San’Shyuum, về khả năng mà các giống loài có thể tiến hóa đến mức thần thánh nhờ vào sự kích hoạt của 7 Halo. Cũng vì tin tưởng vào khái niệm này, cộng thêm với việc chiến tranh bấy giờ đã không còn nghĩa lý gì nữa, loài Sangheili quyết định bắt tay với phe San’Shyuum.

Loài Sangheili (trái) hợp tác với San’Shyuum.

Sự thành lập của Đế chế Covenant

Thỏa thuận được kí kết chính thức vào năm 852 BCE, và đây cũng là sự thành lập của phe Covenant. Writ of Union nêu rõ vai trò của hai giống loài:

– Loài San’Shyuum sẽ là tầng lớp lãnh đạo – chủ yếu dựa vào tôn giáo thờ phụng Forerunner – nhờ khả năng sử dụng công nghệ thành thạo, cũng như sở hữu con tàu Anodyne Spirit, với nhiệm vụ đi tìm vị trí của các Halo trong vũ trụ.

– Loài Sangheili trở thành những chiến binh tinh nhuệ đầy danh dự có trách nhiệm bảo vệ các lãnh đạo San’Shyuum trên con đường đi tìm các Halo và giải phóng đế chế Covenant thông qua Đại Hành Trình.

Con tàu Anodyne Spirit cũng ngừng hoạt động, và được trưng dụng để trở thành trung tâm cũng như là nguồn năng lượng cho thủ đô thánh sắp được xây dựng của phe Covenant, High Charity. Cái tên Covenant – khế ước – cũng bắt nguồn từ Writ of Union, nhằm nhắc nhở rằng từng thành viên của phe Covenant đều được liên kết với nhau nhờ “khế ước” này.

Cùng Series

Tấn Minh

Chủ xị

  
Thích T hơn là game.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện